Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ: Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ

Ngày 22-3, ông Dương Tấn Hiển- Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ, chủ trì buổi làm việc với Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP. Cần Thơ và các đơn vị liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C).

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch TT UBND TP. Cần Thơ, chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo báo  cáo của Sở GTVT TP. Cần Thơ: Sau 5 tháng khởi công, dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật: Đến nay các nhà thầu vẫn chưa có mặt bằng để tiến hành thi công; một số nhà thầu khác đã tranh thủ tập kết phương tiện, bắt đầu phát hoang, đào khuông đường với diện tích 2.400m2.

Dự án Đường Vành đại phía Tây có tổng số diện tích đất bị ảnh hưởng là 161,66 ha. Trong đó diện tích đất lúa là 99,87 ha; đất nông nghiệp là 50,15 ha; đất ở đô thị là 2,34 ha, 8,3 ha là các loại đất khác. Có khoảng 1.380 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó quận Ô Môn là 495 trường hợp, quận Bình Thủy là 396 trường hợp, huyện Phong Điền 300 trường hợp, quận Cái Răng 38 trường hợp, quận Ninh Kiều 151 trường hợp). Đến thời điểm hiện tại các địa phương chỉ phê duyệt được 416 trường hợp trên 1.221 trường hợp đã được kiểm đếm (khoảng 34%), còn số lượng lớn các hộ dân chưa xét pháp lý, đồng thời các hộ dân phê duyệt và chi trả bồi thường nằm rải rác trên địa bàn phường cũng như trên tuyến nên chưa thể triển khai thi công được đồng bộ các gói thầu số 16,17, 19 và 20.

Các khu tái định cư của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền tái định cư nên chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân,  ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo Sở GTVT, năm 2023, số vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án này là 225 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu của dự án. Do chưa điều chỉnh được tổng mức đầu tư nên chỉ tập trung GPMB cho các gói thầu đã triển khai. Do đó Sở đề nghị 4 quận huyện có dự án  đi qua đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho các vị trí ưu tiên trong tháng 4 tới để các gói 16,17,19 và 20 tập trung thi công.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Lê Tiến Dũng, trình bày những khó khăn trong thi công dự án

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Lê Tiến Dũng cũng cho biết: Việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng còn chậm. Cụ thể là tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt công trình hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, cấp nước, đường dây điện trung thế, hạ thế. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận huyện vẫn chưa ký hợp đồng với các đơn vị thiết kế để làm những bước tiếp theo.

Trước những khó khăn và đề xuất tháo gỡ trên, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch TT UBND TP. Cần Thơ,  lưu ý: Đường Vành đai phía Tây là công trình trọng điểm, UBND TP đã thành lập tổ theo dõi, chỉ đạo. Chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết để có lộ trình triển khai dự án, giải quyết những khó khăn, vấn đề phát sinh.

Đặc biệt đối với vấn đề GPMB, Phó CT Thường trực UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh: “Các địa phương có dự án đi qua cần tập trung giải quyết bố trí tái định cư nhanh, chất lượng, đảm bảo quy định pháp luật. Từ thời gian thông báo đến khi thu hồi đất phải có sự đồng thuận của người dân. Trong đó Quyết định thu hồi đất, quyết định phương án bồi thường phải cùng ngày, có thể tổ chức bốc thăm giao nền trước khi có quyết định; người dân nào cần tái định cư thì xem xét giao trước, đồng thời cũng có thể đẩy mạnh phương án tái định cư phân tán; xem xét thêm phương án xây chung cư ở 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng để sớm bố trí tái định cư cho bà con”.

Đại biểu đóng góp phương án tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công

Các khu vực trong Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ

Cần nói thêm: Dự án Đường Vành đai phía Tây khởi công ngày 17-11-2022, có chiều dài gần 20km với 49 cây cầu lớn, nhỏ thuộc 02 đơn nguyên. Sở GTVT TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn hơn 3.837 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành vào năm 2026. Dự án đi qua 5 quận huyện gồm: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền khi hoàn thành kết nối QL91 và QL61C. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài việc kết nối các trục giao thông chính của vùng ĐBSCL như QL91, QL61C và QL1A, đồng thời còn kết nối TP. Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của thành phố và nhiều tỉnh trong khu vực.

Đan Phượng

Bài viết liên quan