Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ: Đạt nhiều thành quả trong Đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV/AIDS

Ngày 22-2, Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ và Tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hội nghị (HN) Tổng kết hoạt động Đáp ứng y tế công cộng (PHCR) với chùm lây nhiễm HIV/AIDS năm 2022 và khởi động dự án 2023 tại Cần Thơ.

PGS.TS. Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), phát biểu khai mạc

PGS.TS. Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết: Với sự nỗ lực của cả hệ thống, sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, số nhiễm HIV/AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong hơn 15 năm qua. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự diễn biến phức tạp của dịch HIV/AIDS.

Để kiểm soát được tình hình dịch trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai công cụ cảnh báo dịch HIV/AIDS từ hệ thống quản lý thông tin người nhiễm (HIV Info 4.0) và hướng dẫn sử dụng dữ liệu để cảnh báo tình hình dịch. Để thực hiện, các tỉnh, thành phải phát hiện được các nhiễm trùng mới kịp thời và có Đáp ứng y tế công cộng (PHCR) hiệu quả: “Để có đáp ứng y tế công cộng, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV sẽ hỗ trợ chương trình quốc gia trong việc theo dõi các sự kiện ở cấp độ từng cá thể; dữ liệu này sẽ giúp người quản lý biết được khu vực nào xảy ra các lây nhiễm mới, khu vực nào có thể sẽ là các điểm nóng trong thời gian tới và kịp thời đưa ra các cảnh báo nhằm kiểm soát được tình hình dịch. Hiện hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV đã triển khai ở một số tỉnh, thành. TP.Cần Thơ là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai hoạt động PHCR và đạt được những kết quả nhất định” - PGS.TS. Phạm Đức Mạnh đánh giá.

Theo báo cáo của CDC Cần Thơ, năm 2022, Cần Thơ phát hiện 621 ca nhiễm HIV mới, trong đó hơn 50% là người ngoài tỉnh. Số người nhiễm mới tập trung nhiều ở các quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thuỷ, Ô Môn; và  huyện Phong Điền, huyện Thới Lai.

Thạc sĩ Giáp Thanh Giang – Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS – CDC Cần Thơ, báo cáo hoạt động năm 2022

Thạc sĩ Giáp Thanh Giang – Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS – CDC Cần Thơ, cho biết: Đối tượng lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa (số người nhiễm HIV mới phát hiện tập trung ở nhóm tuổi  16 – 25) và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm, trong đó lây nhiễm qua tiêm chích ma túy đã giảm rõ rệt, tình dục không an toàn đang chiếm ưu thế với số người nhiễm mới là MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) chiếm 60%.

Với việc đẩy mạnh công tác tiếp cận, tư vấn, 100% bạn tình/bạn chích của người nhiễm HIV được tư vấn, từ đó họ tham gia xét nghiệm và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Hiện Cần Thơ có 1.925 khách hàng đang điều trị PrEP, trong đó 1.622 người lần đầu tiên điều trị. Tỷ lệ  chuyển gởi thành công đạt 82%. Một trong những thành quả nổi bật khác của Cần Thơ là: 90% người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV sau khi phát hiện; hơn 90% bệnh nhân đang điều trị có tải lượng HIV thấp hơn 1.000 bản sao/ml (nếu tải lượng HIV của bệnh nhân dưới 200 bản sao/ml thì đối tượng sẽ không lây nhiễm cho người khác qua quan hệ tình dục).

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Giáp Thanh Giang, khó khăn trong thực hiện PHCR là người nhiễm phát hiện mới tại các bệnh viện (BV) thường bị mất dấu do công tác trả kết quả xét nghiệm chậm, nên không tư vấn được bạn tình/bạn chích và chuyển gởi tham gia điều trị. Chưa thống nhất quy trình chuyển gởi tại các BV. Một số phòng VCT thu thập không đầy đủ thông tin, đối tượng, đường lây của khách hàng nên khó khăn trong công tác chuyển gửi điều trị và phân tích tình hình dịch HIV. Đặc biệt, tình trạng hết sinh phẩm xét nghiệm HIV và nhiễm mới, tải lượng virus; máy xét nghiệm bị hư, khiến việc gởi mẫu đi xét nghiệm gặp khó khăn.

Năm 2023, Cần Thơ sẽ đẩy mạnh thực hiện chuỗi can thiệp toàn diện gồm tiếp cận, truyền thông giảm nguy cơ, cung cấp vật dụng dự phòng, tăng cường xét nghiệm HIV, tìm ra các chùm ca nhiễm mới; thực hiện chuyển gởi điều trị ARV, PrEP và ước tính quần thể nguy cơ; tư vấn hỗ trợ duy trì điều trị ARV/PrEP trong nhóm MSM và các nhóm nguy cơ cao khác và bạn tình của họ tại các địa bàn trọng điểm. Triển khai điều trị Lao/HIV, viêm gan C và  các bệnh không lây nhiễm;…

Với các chỉ tiêu cụ thể: Tiếp cận, xét nghiệm HIV cho 1.000 khách hàng (KH) nguy cơ cao (MSM, Tiêm chích ma tuý, mại dâm và bạn tình).  Trong đó: 1.000 sinh phẩm tự xét nghiệm được cấp phát; 700 khách hàng được xét nghiệm tại cơ sở y tế (tự đến); 300 KH được xét nghiệm thông qua PNS/SNS). Phát hiện 350 ca HIV(+) mới (phát hiện lần đầu). Tăng tỷ lệ khách hàng HIV(+) được kết nối thành công điều trị ARV từ 82% lên 90%. Tăng tỷ lệ KH HIV(+) được kết nối thành công điều trị  ARV trong ngày từ 8,6% lên 30%. 80% khách hàng HIV(+) mới phát hiện đồng ý tham gia dịch vụ PNS/SNS. 30% khách hàng HIV(-) qua PNS/SNS được kết nối thành công điều trị PrEP. 97,5% bệnh nhân ARV duy trì điều trị trong mỗi quý. Tăng tỷ lệ khách hàng PrEP duy trì điều trị ít nhất 3 tháng từ 70% lên 80%.

BS.CKII. Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc CDC Cần Thơ, trình bày kế hoạch và mục tiêu năm 2023

BS.CKII. Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc CDC Cần Thơ, bảy tỏ nguyện vọng: “Dịch HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp, để  đạt các chỉ tiêu trên, bên  cạnh sự chỉ đạo, hỗ trợ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, CDC  Hoa Kỳ và các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Sở Y tế Cần Thơ, sự phối hợp từ các bệnh viện, cơ sở điều trị và các Trung tâm y tế  quận huyện và  các nhóm cộng đồng, chúng tôi rất cần sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể, nhất  là  Đoàn viên thanh niên”.

Ông Eric Zdiuban – Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống AIDS của Cần Thơ

Ông Eric Zdiuban – Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá cao thành quả của Cần Thơ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Cần Thơ trong các hoạt động và nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Cần Thơ tháo gỡ các khó khăn, trong đó sẽ hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm. Đồng thời phối hợp tập huấn, tăng cường năng lực cho CDC Cần Thơ và nhân viên y tế từ thành phố đến cơ sở, cùng lực lượng đồng đẳng viên.Tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hệ thống phòng xét nghiệm và các cơ sở điều trị HIV. Tôi mong Cần Thơ tăng cường hoạt động giám sát và theo dõi số liệu, đặc biệt là công tác quản lý, giám sát quá trình điều trị ARV đối với các bệnh nhân nhiễm HIV, chẳng hạn việc cấp phát thuốc, theo dõi tải lượng virus,… Tôi hy vọng Cần Thơ sẽ là điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống AIDS và Cần Thơ sớm đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia  phòng, chống AIDS của Việt Nam”.

Đan Phượng

Bài viết liên quan