Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ: Công bố sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong MII

Ngày 5-4, tại TP. Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị “Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông phát biểu tại HN

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông và Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock, ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành uỷ Cần Thơ, cùng Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố, đại diện khu vực tư nhân, các trường đại học, cơ sở đào tạo trong khu vực đã tham dự.

Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Sáng kiến MII sẽ thúc đẩy sự quan tâm, động lực và góp phần kết nối các nguồn lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho Đồng bằng sông Cửu Long.”

Giám đốc USAID tại Việt Nam, Bà Ann Marie Yastishock chia sẻ: “USAID rất vui mừng được mở rộng hợp tác cùng Bộ KH&ĐT và hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm kiếm các phương pháp đào tạo mới để phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tận dụng tiềm năng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi kinh tế. Để làm được điều này cần trang bị các kỹ năng số cho lực lượng lao động nhằm tận dụng nền kinh tế tri thức để phát triển nhiều lĩnh vực”.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Sáng kiến ĐMST Mekong MII

Hội nghị đã làm Lễ khởi động Sáng kiến ​​Đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Initiative - MII) nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) ở khu vực ĐBSCL, bao gồm các mục tiêu: Huy động các nguồn lực và giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL. Hỗ trợ phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo cho khu vực. Thúc đẩy, nâng cao nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển bền vững về môi trường và bình đẳng giới cho khu vực. 

Sáng kiến MII nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp" (USAID WISE), được công bố bởi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam năm 2021. WISE là hoạt động hợp tác giữa USAID và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ KH&ĐT nhằm hỗ trợ tăng cường kỹ năng chuyên biệt của thị trường lao động Việt Nam, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh cho lực lượng lao động của Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam VECOM, đóng góp về biện pháp thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp tại các trường đại học

Với sự tài trợ bởi USAID WISE, dự kiến MII sẽ đào tạo 500 học viên khu vực ĐBSCL về các kỹ năng chuyển đổi số và thương mại điện tử, mở ra cơ hội việc làm mới và cung cấp cho khu vực một lực lượng lao động đã được trang bị các kỹ năng số. Ngoài ra, chương trình MII còn nhận được tài trợ của nhiều đối tác quan trọng khác, như: 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp được cung cấp miễn phí dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu; 500 gói dịch vụ tra cứu thông tin doanh nghiệp ở nước ngoài miễn phí nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu và hợp tác thương mại;

Có 500 website được xây dựng miễn phí cho người dân và doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Mekong trên nền tảng số; 5.000 suất học bổng đào tạo về công nghệ thông tin dành cho sinh viên và người lao động; 3.000 nông dân, tiểu thương được hỗ trợ, đào tạo miễn phí về chuyển đổi số và bán hàng trên mạng xã hội; 800 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, cấp kinh phí để nâng cao năng lực ĐMST, chuyển đổi số, đăng ký sở hữu trí tuệ, ứng dụng thương mại điện tử và đầu tư phát triển thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông và các đại biểu dự HN

Tại hội nghị (HN), các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng đổi mới sáng tạo, giải pháp và chính sách thúc đẩy ĐMST và phát triển nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế tri thức, trong đó ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, đề xuất: Các chương trình, chính sách hỗ trợ về ĐMST và khởi nghiệp không nên phân bổ dàn trải mà có sự chọn lọc, ưu tiên cho các lĩnh vực mũi nhọn. Hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh các dịch vụ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế tri thức,…

Phát biểu kết thúc HN, Thứ trưởng Trần Duy Đông ghi nhận những kiến nghị và cho biết: “Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ĐMST, huy động các nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ hoạt động ĐMST của cả nước, trong đó ưu tiên vùng ĐBSCL.

      Đan Phượng

Bài viết liên quan