Hội nghị (HN) do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Quỹ Hanns Seidel của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức. Tham dự có đại diện một số Bộ, ngành trung ương; các Sở, ban, ngành của 13 tỉnh và thành phố khu vực ĐBSCL; các chuyên gia kinh tế và đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Bích Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao, phát biểu tại HN
Bà Nguyễn Bích Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao, cho biết: “Hội nghị khu vực ĐBSCL “Các xu thế mới của thương mại, đầu tư quốc tế - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” là diễn đàn để đại diện các Bộ, ngành trung ương, địa phương và DN vùng ĐBSCL và các đối tác nước ngoài cùng trao đổi, thảo luận về những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất tại ĐBSCL, cũng như hỗ trợ tốt nhất cho các DN trong và ngoài nước trong thời gian tới”.
Quang cảnh HN
Với 3 phiên thảo luận chính về một số xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế và tác động đối với Việt Nam; Thực tiễn triển khai hội nhập kinh tế và bài học kinh nghiệm đối với địa phương và DN vùng ĐBSCL; Giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của ĐBSCL, Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của các địa phương và DN vùng ĐBSCL, nhất là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong việc nắm bắt, tận dụng các cơ hội từ những xu thế mới của thương mại và đầu tư quốc tế cũng như nâng cao hiệu quả triển khai các cam kết kinh tế, nhất là các cam kết thương mại tự do (FTA) của Việt Nam.
Phát biểu tại HN, TS. Võ Trí Thành - Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chia sẻ một số nhận định, đánh giá về các xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó nhấn mạnh xu thế thúc đẩy thương mại gắn với phát triển bền vững, bao trùm và kinh tế số, cũng như quá trình tái cơ cấu và dịch chuyển chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Điều này đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với kinh tế Việt Nam. Từ đó, các địa phương và DN Việt Nam cần sớm nhận thức, định vị được các lợi thế của mình trong tình hình mới và đẩy mạnh quá trình “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” với tinh thần quyết liệt trong một thế giới đang đổi thay. Từ góc độ DN, ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ và ông Ngô Thanh Hải - Chủ tịch Quỹ đầu tư FPT, cho rằng: Các DN, tập đoàn lớn trên thế giới, như tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, đang có xu thế điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tái định hình đầu tư theo hướng chú trọng các xu thế về đầu tư xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đầu tư vào khí hậu, y tế, cơ cở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững,... nhằm thích ứng và phục hồi sau đại dịch. Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam đang tập trung ưu tiên hoặc có thế mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đánh giá cao ý nghĩa của HN và thông tin một số thành quả nổi bật của TP. Cần Thơ
Hội nghị dành nhiều thời gian đánh giá về thực tiễn triển khai hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong việc thực thi các FTA, thực tiễn hợp tác kinh doanh và đầu tư của các đối tác nước ngoài, cũng như các bài học kinh nghiệm đối với địa phương và DN vùng ĐBSCL. Các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Hiệp định FTA trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam nói chung nhằm phục hồi tăng trưởng hậu khủng hoảng, cũng như giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu của Cần Thơ và ĐBSCL nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực về gạo, thuỷ sản, nông sản và thực phẩm chế biến,…
Trên cơ sở Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, HN đã chỉ ra những thế mạnh và hạn chế còn tồn tại của ĐBSCL trong triển khai hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới, cũng như các cơ hội và thách thức của các xu thế thương mại, đầu tư mới đối với các địa phương, doanh nghiệp ĐBSCL. Là “vựa lúa” của Việt Nam và thế giới, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế của cả nước và là một trong những địa phương thu hút nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Do đó việc kịp thời nắm bắt và tận dụng các cơ hội đến từ những xu thế thương mại, đầu tư mới, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ tạo động lực và gia tăng nguồn lực cho ĐBSCL để giải quyết tốt các thách thức, đồng thời đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững và bao trùm trong tương lai.
Ban tổ chức và các diễn giả
Các diễn giả, chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp nhằm thu hút đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh cho địa phương, DN và sản phẩm của ĐBSCL thông qua việc cần đẩy mạnh thực hiện các lĩnh vực như chuyển đổi số, triển khai thương mại điện tử đa kênh, hỗ trợ của chính phủ đối với nông nghiệp bền vững thích ứng với khí hậu, lựa chọn nguồn vốn đầu tư phù hợp, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Đan Phượng