Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị ngành tôm nước lợ tại tỉnh Bạc Liêu

Ngày 23-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chọn tỉnh Bạc Liêu là nơi tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024”.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024”

Tham dự Hội nghị có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT; ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; lãnh đạo UBND; Sở NN&PTNT 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc NN&PTNT,…

Hội nghị lần này, nhằm trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2023, đồng thời bàn giải pháp và triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024.

Đại biểu tham dự tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024”

Theo báo cáo tỉnh Bạc Liêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức khá, với mức tăng 7,24%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 24/63 cả nước; Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phát triển của tỉnh. Hiện tỉnh có 8 dự án điện gió với tổng công suất gần 470MW đang hoạt động ổn định, xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc; điều đặt biệt là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD sau nhiều năm phấn đấu. Bên cạnh đó, trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận lưu hành đặc cách 2 giống lúa cho tỉnh là “Giống lúa BL9 và Một Bụi đỏ”, như tiếp thêm một động lực, bước ngoặc mới cho Ngành nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu.

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, về xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án. Qua hơn 3 năm thực hiện đề án, nay đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, khẳng định việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài. Bên cạnh, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” (dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng giữa năm 2024) và đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu này.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu: “Với tình trạng thực tế, UBND tỉnh đã xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sớm đưa Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Nhân Hội nghị hôm nay, tỉnh Bạc Liêu rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và có những chỉ đạo giúp ngành tôm của Việt Nam nói chung và của Bạc Liêu nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững, giải quyết được các vấn đề tồn tại về môi trường, dịch bệnh đối với sự phát triển bền vững của ngành tôm và giúp Bạc Liêu thành công xây dựng thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; đặc biệt là, đạt chỉ tiêu xuất khẩu tôm của tỉnh đến năm 2025 là 1,3 tỷ USD”- Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến, phát biểu: “Đã đánh giá cao các đơn vị, địa phương đã có những chia sẻ về thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ trong thời gian qua và có những định hướng, giải pháp phù hợp cho từng địa phương”.

Thời gian tới, đề nghị các địa phương cần tổ chức liên kết, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi tôm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp tín dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện; quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước ”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị.

Trần Huy - Đặng Sáu

Bài viết liên quan