Các đại biểu tham dự Chương trình “An sinh xã hội” tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
Đến dự có Ông Nguyễn Hoàng Hành - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương; Ông Trần Quốc Thẻo – Phó Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang; Ông Lê Thanh Hồng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Đông Phú; Bà Nguyễn Thị Cẩm Lan – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đông Phú; Ông Hoàng Thế Lộc – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú; Bà Nguyễn Thị Mỹ Lua – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đông Phú; Ông Võ Trọng Hữu - Nguyên Uỷ viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Văn phòng đại diện Hội An Toàn Giao Thông Việt Nam (ATGT VN) và Trang điện tử Giaothong24h tại TP. Cần Thơ và ĐBSCL; Thạc sĩ Nguyễn Thành Nguyện - Phó Viện trưởng Viện NC&PT Văn hoá dân tộc; Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Công ty TNHH ĐTXD PTĐT Thiện Phúc; Ông Nguyễn Thu Hùng - Phó Hội trưởng Ban Cai quản Thánh tịnh Thiên Trước; Bà Lê Thị Bích Tuyền - Phó Hội trưởng Ban Cai quản Thánh tịnh Thiên Trước; Công ty TNHH Minh Mạnh Group; Công ty Lương thực miền Nam; Bác sĩ Phan Kim Đoàn – Trưởng Đoàn khám bệnh và tập thể y bác sĩ; các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng các cơ quan báo, đài địa phương,…
Trước năm 1940, người dân Phú Hữu (nay đã chia thành 4 đơn vị hành chính mới bao gồm: Xã Phú Hữu, Phú Hữu A, Phú Tân, TT. Mái Dầm) luôn bị áp bức, bóc lột dã man. Lúc này phong trào đấu tranh của một số địa phương đang lên cao như: Cần Thơ, Vĩnh Long,… đã góp phần tác động lớn đến các tầng lớp ở Phú Hữu trong đó có 2 anh em Nguyễn Phước Ngoạn (còn gọi là Ba Gần) và Nguyễn Văn Phúc (Trần Duy Phước) đã trực tiếp đứng ra lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày 23-11-1940 tại Phú Hữu. Lệnh khởi nghĩa của Xứ uỷ Nam Kỳ đến Cần Thơ (nay đã được chia ra thành: tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ) vào lúc 12 giờ trưa ngày 22-11-1940. Rạng sáng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổ ra. Chi bộ xã Phú Hữu đã tiến hành vận động được khoảng 70 quần chúng yêu nước tập hợp tại nhà bà Lụa ở ấp Ngã Lá, xã Phú Hữu kết hợp với lực lượng các xã khác như: Đông Sơn, Đông Phú tiến về Quận lỵ Phụng Hiệp. Mặc dù cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Phú Hữu tuy không giành thắng lợi do tình thế cách mạng chưa chín mùi nhưng đã rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong đấu tranh, là cuộc diễn tập quan trọng để Đảng bộ Cần Thơ lúc bấy giờ tổ chức cuộc tổng khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang sau này. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 ở Phú Hữu mãi mãi là điểm son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng dân tộc.
Đoàn dâng hương tưởng niệm Khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
Cũng tại chương trình, Đoàn cũng đã đến dâng hương tại Khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là nơi tưởng niệm ghi dấu công lao to lớn về cuộc khởi nghĩa Nam Bộ đã từng làm long trời lở đất diễn ra cách đây hơn 82 năm về trước đã mãi mãi ghi vào lịch sử vẻ vang cả nước nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Hoạt động này nhằm thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ, sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ cách mạng, những người con ưu tú đã hi sinh trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, vì nền độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân.
Ông Nguyễn Hoàng Hành - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương, chia sẻ
Ông Nguyễn Hoàng Hành - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương phát biểu chia sẻ tại chương trình: “Chiến tranh khốc liệt đã lùi vào quá khứ 40 năm qua, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, nhân dân được hưởng nền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, với lòng thành kính biết ơn sâu sắc, thể hiện niềm tự hào và nêu cao đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn; Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc. Vụ Công tác dân tộc địa phương đã vận động các nguồn lực xã hội, kinh phí đóng góp của chính quyền địa phương, sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến thăm và tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, người có uy tín, cán bộ trong ngành công tác dân tộc hưu trí, người già yếu, hộ gia đình nghèo, công nhân lao động, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang”. Với truyền thống, đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hết sức quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.
Ông Hoàng Thế Lộc – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú, phát biểu
Để bày tỏ sự tri ân của địa phương đến với Đoàn An sinh xã hội, Ông Hoàng Thế Lộc – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú phát biểu: “Thay mặt Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Đông Phú, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đã tích cực hưởng ứng, thiết thực hỗ trợ chương trình an sinh xã hội lần này. Với kinh nghiệm và kết quả đạt được trong công tác vận động thời gian qua, chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân,… cùng chung tay giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, người có uy tín, cán bộ trong ngành công tác dân tộc hưu trí, người già yếu, hộ gia đình nghèo, công nhân lao động, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đông Phú nói riêng và huyện Châu Thành nói chung”.
Đoàn Y bác sỹ thăm hỏi, khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, người có uy tín, cán bộ trong ngành công tác dân tộc hưu trí, người già yếu, hộ gia đình nghèo, công nhân lao động, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
Lãnh đạo địa phương trao tặng Thư cảm ơn cho các nhà hảo tâm, mạnh thường quân
Chương trình “An sinh xã hội” tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là một trong hoạt động nhằm chăm lo cho đồng bào giảm bớt khó khăn, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình “Mục tiêu Quốc gia - Giảm nghèo bền vững”, xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ. Phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc ta, với tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trần Huy - Quang Châu