Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Vụ Công tác dân tộc địa phương III: San sẻ yêu thương trong Tháng Ramadan

Ngày 18-3, Vụ Công tác dân tộc địa phương III (Ủy Ban Dân tộc Trung ương); Ban Dân tộc tỉnh An Giang phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 9, cùng Hội An toàn giao thông Việt Nam, Văn phòng đại diện tại Cần Thơ và khu vực ĐBSCL cùng phóng viên Tạp chí Bầu trời rộng Mở - Opensky và các đơn vị có liên quan, các mạnh thường quân tổ chức chương trình trao quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc Chăm nhân dịp lễ đón mừng Tháng Ramadan cộng đồng Hồi giáo (ISLAM) tỉnh An Giang năm 2023.

Từ sáng sớm, rất đông đồng bào Chăm đã đến tham gia buổi khám bệnh, phát thuốc miễn phí

Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập, tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là “tháng nhịn ăn” hoặc “tháng ăn chay”. Đối với cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang; đây là tháng nhịn ăn của tín đồ Islam trên toàn thế giới, diễn ra vào tháng 9 Hồi lịch.

Việt Nam hiện có khoảng 150.000 người Chăm, sống rải rác ở các tỉnh thành khu vực Nam Trung Bộ và một bộ phận ở Nam Bộ. Trong đó, với trên 14.000 người, An Giang là tỉnh có số người Chăm đông thứ tư tại Việt Nam và đông nhất Nam Bộ. Nếu người Chăm Trung Bộ theo tôn giáo Bàlamôn hoặc Bàni (tôn giáo bản địa được sáng tạo dựa trên sự kết hợp Islam - Bàlamôn), thì người Chăm An Giang theo tôn giáo Islam dòng Sunni.

Trong suốt tháng, tín đồ không được ăn uống từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn, nhằm thể hiện ý nghĩa chia sẻ cùng những người nghèo và rèn luyện khả năng tiết chế những cám dỗ vật chất. Tại tỉnh An Giang, cộng đồng người Chăm theo tôn giáo Islam hằng năm long trọng đón mừng tháng thánh lễ này, góp phần tạo nên sự phong phú cho diện mạo văn hóa địa phương.

Tháng Ramadan mang ý nghĩa chính là để người Islam trải qua cảnh đói khát, cơ cực, từ đó biết thương xót và chia sẻ với những người nghèo khổ. Ngoài ra, đây còn là dịp để tỏ lòng biết ơn Allah, để nhắc nhở bản thân tiết chế không quá đam mê dục vọng, để tịnh tâm xem xét lại những lỗi lầm của mình,... Ramadan là sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo của người Chăm ở An Giang, nên dù làm ăn buôn bán ở đâu họ cũng trở về quê nhà để thực hành nghi lễ và sum họp gia đình. Trước lễ, họ đến các nghĩa trang (bên cạnh các thánh đường) để tảo mộ người thân. Trong suốt tháng Ramadan, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, các tín đồ từ 15 tuổi trở lên phải nhịn ăn uống, hút thuốc,… 

Các y, bác sĩ thăm khám bệnh cho người dân

Tổ chức cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang được công nhận năm 2004 theo quyết định của UBND tỉnh An Giang. Trụ sở Ban Đại diện (BĐD) đặt tại Thánh đường Nekmah, tổ 4, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Từ khi được công nhận đến nay, trong khuôn khổ luật pháp quy định, BĐD luôn phấn đấu trở thành cầu nối giữa cộng đồng người Chăm theo Islam và chính quyền.

Đoàn công tác thăm hỏi, trao quà cho đồng bào người Chăm tại buổi khám bệnh

Trong buổi sáng ngày 18-3, đoàn công tác của Ban Dân tộc An Giang; đoàn thầy thuốc, y bác sỹ Trung tâm Y tế TX.Tân Châu, Sở Y tế An Giang đã tổ chức trao quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 300 hộ đồng bào Chăm tại nhà Văn hóa xã Châu Phong.

Bà Fati Mah (SN 1959, xã Châu Phong) chia sẻ: “Bây giờ tuổi già sức yếu, đi lại khá khó khăn. Cũng nhờ có buổi khám, bệnh phát thuốc miễn phí hôm nay cũng như sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đã giúp tôi có thêm điều kiện chăm lo sức khỏe. Sự kiện này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi nó diễn ra trong tháng Ramadan”.

Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang trao quà cho đồng người Chăm tại buổi khám bệnh

Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, cho biết: “An Giang là tỉnh có rất đông đồng bào người Chăm sinh sống. Thời gian qua, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền địa phương; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 – đã giúp đời sống đồng bào người Chăm không ngừng được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm”.

Cũng theo ông Men Pholly, tại tỉnh An Giang, đến nay, cộng đồng người Chăm còn lưu giữ những văn văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, bà con theo tôn giáo Islam hằng năm long trọng đón mừng tháng thánh lễ này, góp phần tạo nên sự phong phú cho diện mạo văn hóa địa phương.

Dịp này, đoàn công tác cũng đã tiến hành trao quà, các nhu yếu phẩm cho đồng bào dân tộc Chăm nhân dịp lễ đón mừng Tháng Ramadan.

Hoàng Khánh – Gia Gia

Bài viết liên quan