Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Từ Nhà hát Opéra Garnier Paris tới Nhà hát lớn Hà Nội: 110 năm - Huyền thoại Opéra

Không thể khép lại năm 2021 mà không nhắc tới một sự kiện văn hoá nổi bật của đất nước nói chung và của Hà Nội nói riêng vào tối ngày 11/12/2021: Nhà Hát Lớn Hà Nội tròn 110 tuổi.

Năm 2021, một năm rất ít các sự kiện văn hoá lớn được tổ chức vì dịch bệnh Covid. Có lẽ “Huyền thoại Opéra” là một sự kiện hiếm hoi được tổ chức thành công ngoài mong đợi. Những người yêu sự giao thoa văn hoá, kiến trúc và đặc biệt một cô giáo dạy tiếng Pháp như tôi không thể không xúc động khi cầm giấy mời trên tay. Không phải ai cũng có may mắn được có mặt ở Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia: Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám vào sự kiện trọng đại này. Tôi hân hoan, phấn khởi từ mấy ngày trước đó, mời đồng nghiệp đi cùng và còn cầu kì chọn cho mình trang phục, phụ kiện mang đậm những dấu ấn của hai đất nước mà tôi yêu: Việt Nam và nước Pháp, nơi tôi yêu như quê hương thứ hai của mình.

Opéra Garnier, Paris

Chương trình “Huyền thoại Opéra” được tổ chức cầu kì, công phu từ khâu test nhanh Covid cho tất cả các khách mời tại sảnh đến bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn có một không hai mang đậm dấu ấn văn hoá Việt-Pháp.

Tôi cùng đồng nghiệp, cũng là giảng viên tiếng Pháp Trường Đại học Giao thông Vận tải đã chọn cho mình phòng nghe nhạc từ tầng hai. Một không gian sang trọng, kín đáo, nhưng lại nhìn được toàn cảnh của Nhà hát Lớn từ các góc độ. Là một công trình kiến trúc được pha trộn nhiều phong cách nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp và là “công trình thu nhỏ” của nhà hát Opéra Garnier-biểu tượng của sự xa hoa, lộng lẫy, đế vương cũng như biểu tượng của các hoạt động vui chơi giải trí ở « Kinh Đô Ánh Sáng », của Paris thời Đệ nhị Đế chế.

Nhà hát lớn Hà Nội, một trong những dấu ấn của người Pháp để lại, được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Trải qua 110 năm, qua nhiều lần được trùng tu, Nhà hát Lớn Hà Nội mang một tầm vóc mới, đi vào lịch sử văn hoá Pháp-Việt và trở thành di sản kiến trúc cần được phát huy của hai đất nước.

Nhà hát Lớn đêm 11/12/2021

Khi bài hát đầu tiên của đêm nhạc vang lên, ai cũng dâng dâng niềm tự hào dân tộc trong giai điệu ngọt ngào “Việt Nam quê hương tôi”. Hình ảnh những thiếu nữ áo dài, nón lá in bóng trên màn hình sân khấu, khắc hoạ rõ nét đất nước và con người Việt Nam. Và tuyệt vời nhất là khi các thiếu nữ áo dài, nón là ấy bất ngờ đứng lên từ tầng hai của Nhà hát Lớn, ngay trước mắt tôi để hoà vào giai điệu du dương. Và dưới tầng một, một cảnh tượng khó quên khi áo dài trắng thướt tha bên nón lá từ các ngả cùng hướng về sân khấu làm nên một màn trình diễn vô cùng ấn tượng của 110 nghệ sỹ Việt Nam tượng trưng cho 110 năm “Opéra huyền thoại”.

Xuyên suốt chương trình là các tiết mục biểu diễn của 110 nghệ sĩ trong đó có ca sĩ Mỹ Linh, nghệ sĩ đa tài David Kenjah đến từ nước Pháp, ca sỹ Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan,… cùng Dàn nhạc Giao hưởng, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Tất cả các thể loại âm nhạc từ Opéra, nhạc giao hưởng đến các ca khúc trữ tình bất hủ như Aline, Tombe la Neige, Et si tu n'existais pas, Les Champs-Elysées ... đã để lại những ấn tượng đặc biệt dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và tổng đạo diễn Chu Anh Hùng, Phó GĐ Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đêm 11/12/2021 ở Nhà hát Lớn

“Et si tu n’existais pas… “Xin mượn câu hát tiếng Pháp rất nổi tiếng này và tạm dịch: “Nếu Nhà hát lớn Opéra de Hanoi không tồn tại…” thì tôi đã không có mặt ở đây và có một đêm thưởng thức âm nhạc Pháp-Việt tuyệt vời… Những bản giao hưởng của dàn nhạc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, những bản opéra kinh điển và những bản tình ca đi cùng năm tháng vang lên trong thánh đường nghệ thuật làm bao con tim xao xuyến. Lúc ra về thấy lâng lâng trong đêm đông Hà Nội, bay bay trong Huyền thoại Opéra ...”

Đó là cảm xúc được đăng trên trang cá nhân của một cô giáo tiếng Pháp trường Đại học Giao thông Vận tải ngay buổi tối ngày hôm đó. Và đương nhiên cũng là cảm xúc của tôi, những người yêu tiếng Pháp, văn hoá Pháp, đam mê sự giao thoa văn hoá và kiến trúc Pháp-Việt mà tiêu biểu là Nhà hát Lớn Hà Nội, di tích lịch sử Quốc gia.

Nguyễn Thị Cúc

Bài viết liên quan