Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

“Thúc đẩy phát triển vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa Khu vực đồng bằng sông Cửu Long”

Đó là chủ đề Hội nghị do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND TP. Cần Thơ tổ chức chiều ngày 30-9. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chủ trì Hội nghị (HN).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, phát biểu tại hội nghị

Tham dự có ông Nguyễn Đình Việt – Quyền Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam; ông Tống Hoàng Kha – Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, lãnh đạo các Sở ban ngành, các hiệp hội và hơn 70 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam. Về phía TP. Cần Thơ, Phó CT/UBND Nguyễn Ngọc Hè, tham dự.

Quang cảnh hội nghị

Là vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước, ĐBSCL có 700 km bờ biển (chiếm 23% cả nước), là vị trí trung tâm Asian, tiếp cận dễ dàng với tuyến hàng hải quốc tế. Hiện ĐBSCL có 12 cảng biển (1 cảng biển loại I là Cần Thơ, 11 cảng biển loại II là Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Năm Căn, Kiên Giang). Hiện khai thác 12 cảng biển, 73 bến cảng, 6.775m bến cảng. Điểm mạnh của ĐBSCL là nhu cầu hàng hóa thông qua lớn, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, than, quặng, cho các dự án nhiệt điện. Có nhiều danh lam thắng cảnh, tiềm năng du lịch biển đảo; mạng sông ngòi vận tải được đánh giá là tốt nhất thế giới; Nguồn lao động dồi dào. Những cơ hội cho đồng bằng phát triển là Xu thế hội nhập, nhiều hiệp định kinh tế được ký kết, gia tăng xuất nhập khẩu (XNK). Đặc biệt, Nhà nước rất quan tâm phát triển ĐBSCL, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển.

Bên cạnh thuận lợi, các đại biểu chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển của vận tải thủy, nhất là tình trạng hệ thống bến cảng còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, chưa khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện hữu.  Nhiều cảng bị bồi lắng; hiệu suất khai thác cảng chưa cao; thiếu các trung tâm logistics; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế,…

Ông Phùng Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nêu thực trạng hạn chế của vận tải thuỷ và đề đạt kiến nghị 

Ông Phùng Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhận định: Cơ sở hạ tầng cho vận tải đường thủy nội địa chưa được quan tâm đầu tư kịp thời, đúng mức. Các trang thiết bị, điều kiện, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng hóa XNK còn thiếu. Các doanh nghiệp (DN), hãng tàu, DN logistics, DN xuất khẩu chưa có sự liên kết với nhau.

Nhiều đại biểu thống nhất với các giải pháp để phát triển vận tải thủy của khu vực gồm: Tập trung cải tạo, nâng cấp, bảo trì các luồng tàu biển chính trong khu vực (Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, Luồng Cửa Tiều, Luồng Định An – Cần Thơ). Khai thác hiệu quả các bến cảng tại cảng biển Cần Thơ, Long An, An Giang, Trà Vinh,... để đáp ứng tối đa nhu cầu XNK  hàng hóa.

Phát triển các cảng hàng hóa thương mại, ưu tiên các bến cảng gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thông qua hàng hóa theo quy hoạch được duyệt. Kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi (Trần Đề), đáp ứng nhu cầu XNK trực tiếp cho vùng. Phát triển các bến cảng khách kết hợp phục vụ nhu cầu du lịch và kết nối biển đảo: Phú Quốc, Côn Đảo, Hòn Khoai và các đảo biển Tây ĐBSCL.

Về giải pháp: Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng phù hợp với quy hoạch và  các chính sách phát triển của quốc gia, bao gồm: Đầu tư nạo vét khơi thông luồng tàu (Định An, Trần Đề,...); xây dựng cảng cho tàu trọng tải lớn. Các bến cảng chuyên dùng thông qua hàng hóa lớn như nhiệt điện,... Sớm hình thành và đưa vào khai thác trung tâm logistics vùng để hỗ trợ phát triển công nghiệp và tạo các chuỗi giá trị hàng hóa qua cảng biển.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, trả lời kiến nghị của các đại biểu

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó CT/UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cảm ơn Thứ trưởng Bộ GTVT đã tổ chức HN, ghi nhận đóng góp của các đại biểu: “Chính quyền Cần Thơ đã có nhiều cố gắng trong đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao. Chúng tôi xin tiếp thu tất cả ý kiến và sẽ bàn bạc để tháo gỡ, như tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền, có cơ chế đặc biệt cho vận tải thủy, chi phí vận chuyển, chính sách đất đai,… đây là những thông tin góp ý quí báu để thành phố xử lý trong thời gian tới, phục vụ sự phát triển chung toàn vùng” -  Ông Hè nói.     

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin: Đã có tổng thể về quy hoạch cảng biển. Bộ đang giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển Cần Thơ. Trong quy hoạch này chắc chắn sẽ đề cập đến quy hoạch các bến cảng hàng hóa, bến tàu, làm cơ sở cho TP. Cần Thơ cập nhật vào quy hoạch chung của địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Tôi đề nghị UBND TP. Cần Thơ quan tâm, chỉ đạo, để có thể phối hợp chặt chẽ các Bộ ngành trong việc xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển cũng như xây dựng chi tiết cho hệ thống bến cảng, bến thủy nội địa,... Từ đó, cùng với quy hoạch cảng bến đường thủy nội địa trung ương, hình thành hệ thống đồng bộ, hoàn thiện, khắc phục dần các tồn tại, bất cập của hệ thống các cảng bến thủy nội địa hiện nay” - Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Về triển khai đầu tư, theo quy định, việc cấp phép đầu tư thẩm quyền thuộc về địa phương. Thứ trưởng đề nghị TP. Cần Thơ quan tâm việc xúc tiến, ưu đãi, kêu gọi đầu tư và cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào cảng biển đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố: “Song song với triển khai đầu tư là việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện tại.

Khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại để vận chuyển hàng hóa, hành khách, trên địa bàn Cần Thơ cũng như đi đến các địa bàn lân cận, ngoài nỗ lực của địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ GTVT, Hải quan, Biên phòng,… thì vai trò, gánh nặng đặt lên vai các DN. Chúng tôi kỳ vọng vào các nỗ lực tâm huyết của các DN trong hội nghị  hôm nay để có thể tự mình phối hợp với nhau. Từ đó gây dựng, phát triển những tuyến vận tải. Sau HN là các bước triển khai tiếp theo. Quá trình thực hiện, nếu vướng gì, bất cập, phát sinh hiện tượng tiêu cực, các DN cứ gọi cho đường dây nóng, sẽ được giải quyết. Bộ GTVT cam kết luôn hỗ trợ và đồng hành cùng các DN”- Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

      Đan Phượng

Bài viết liên quan