Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup lần 1 năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp

Ngày 20-12, Với chủ đề “Nông ngiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” tại TP. Cao Lãnh diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup lần đầu tiên năm 2022, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức sự kiện.

Phó thủ tướng - Vũ Đức Đam, phát biểu tại Diễn đàn Mekong Startup lần thứ 1 năm 2022

Tham dự diễn đàn gồm có: Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Cao Lục; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam; cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước và nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vực nông nghiệp.

Quang cảnh tại Diễn đàn Mekong Startup lần thứ 1 năm 2022

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: “Ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu quan trọng, từ quốc gia chủ yếu nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, trở thành nước xuất khẩu nông sản top đầu thế giới, các mặt hàng nông sản có mặt tại hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, dự kiến xuất khẩu nông sản năm 2022, chạm mốc 50 tỷ USD, điều đó cho thấy lúa gạo, thủy hải sản và trái cây là lợi thế quốc gia. ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chia sẻ thêm: “Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021-2030”.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhấn mạnh: Nông sản lúa gạo là sản phẩm quan trọng bậc nhất trong nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Đồng thời hằng năm Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa (trên 21 triệu tấn gạo), xuất khẩu bình quân hằng năm 6,1 – 6,5 triệu tấn gạo. Riêng trong năm 2022, ước đạt 7 triệu tấn chủ yếu từ nguồn ĐBSCL (khu vực miền Bắc sản xuất lúa gạo chủ yếu dưới dạng tự cung tự cấp). Nhiều năm liền xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ nhì thế giới (sau Ấn Độ), được đánh giá cao và đáng ngưỡng mộ”.

Ông Nam mong muốn, các Bộ ngành, địa phương, ngân hàng về việc cần ưu tiên vốn cho doanh nghiệp trong thu mua, sản xuất, tạm trữ, đầu tư máy móc thiết bị cho sản xuất, chế biến, bảo quản lúa và ổn định tỷ giá ngoại tệ. Cần hạn chế, cấm các loại thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tiêu dùng, đã được một số nước cảnh báo.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UNBD tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong bối cảnh việc liên kết là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công và là một xu thế tất yếu, giúp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực như: Diễn đàn Mekong Connect, Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và hiện là Diễn đàn Mekong Startup. Đặc biệt ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước, tuy nhiên, nơi này cũng cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu và các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế vùng.

Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng. Sự kiện cũng là cơ hội nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp trong vùng về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh cho khu vực ĐBSCL theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, diễn đàn thể hiện được quyết tâm đổi mới sáng tạo của các lãnh đạo và cộng đồng Startup trong khu vực ĐBSCL. Phó thủ tướng mong muốn tinh thần Startup, khát vọng khởi nghiệp sẽ được bồi đắp trở thành tinh thần của của vùng. Đồng thời, Việt Nam trên trường quốc tế nước ta dân số đứng 15 thế giới nhưng thu nhập đứng thứ 126 thế giới, thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Đối với sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam có 10 nhóm hàng thuộc top 10  xuất khẩu thế giới, gồm: Tôm, cà phê, đồ gỗ nội thất, cao su, gạo, chè,... Tuy nhiên đất nước còn nghèo nhưng Việt Nam cũng có những cam kết, kế hoạch quốc gia hướng đến bền vững và được thế giới đánh giá rất cao, thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với môi trường thế giới.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến khích các đơn vị, địa phương có thể luân phiên tổ chức những diễn đàn, sự kiện tương tự như Mekong Startup để Chính phủ, doanh nghiệp lớn cùng cộng đồng Startup cùng hiện thực khát vọng sáng tạo. Đồng thời, đề nghị chính quyền các tỉnh tham dự diễn đàn hãy cổ vũ, hỗ trợ tinh thần của cộng đồng startup giúp triển khai các dự án, ý tưởng sáng tạo và đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương định hướng sử dụng quỹ đất, giống cây trồng, nâng giá trị sử dụng nông sản để thể hiện đúng tinh thần như diễn đàn đã đề ra.

Lãnh đạo Bộ NN&PTN và 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL ký cam kết về giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT tiến hành ký kết hợp tác Chuyển đổi số toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh đồng Tháp”.

Tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký cam kết đại diện 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với Bộ NN&PTNT trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL; bốn nội dung cam kết Xây dựng Đồng Tháp thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”; ký kết phát triển các nền tảng công nghệ và đào tạo toàn diện nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”; kết hợp tác nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn để phục vụ mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”.

Trần Tú

Bài viết liên quan