Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển

Ngày 01-8, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), long trọng tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đông bằng sông Cửa Long (ĐBSCL) năm 2022 (AMDER 2022).

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, phát biểu tại Lễ Công bố

Đến dự có ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế và Bộ, Ngành TW; Lãnh đạo Thành uỷ, Tỉnh uỷ, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, các cơ quan quản lý thuộc các tỉnh, thành ĐBSCL; Các cơ quan Sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước, và nhiều doanh nghiêp, tập đoàn.

Báo cáo Kinh tế Thường niên 2022 (AMDER 2022) là công trình nghiên cứu hợp tác giữa VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics,… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của Vùng.

Các đại biểu tham dự

Là năm thứ hai thực hiện, AMDER 2022 là báo cáo kinh tế duy nhất về một vùng kinh tế lớn. Với chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp" AMDER 2022 tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050, theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 28-02-2022.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bức xúc: "ĐBSCL được biết đến vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào, trụ cột kinh tế chính đến từ ngành nông nghiệp. Nhưng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư! ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước có xu hướng giảm số lượng lao động ở tất cả các năm trong giai đoạn 2017 - 2021. Chênh lệch lớn về mức sống và cơ hội việc làm giữa hai vùng Đông và Tây Nam Bộ vẫn tồn tại thì làn sóng di cư ở ĐBSCL vẫn sẽ tiếp diễn,...”.

Các nội dung của AMDER, 2022 được xây dựng theo cấu trúc vói 3 phần chính, gồm: Tổng quan kinh tế trình bày hiện trạng kinh tế thế giới "hậu COVID-19", tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 2020-2021, tác động kinh tế toàn cầu đối với kinh tế ĐBSCL. Cập nhật kinh tế ĐBSCL: Tổng quan kinh tế ĐBSCL, Dân số, việc làm, mức sống dân cư, môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; Đầu tư, tín dụng, công nghiệp chế biến chế tạo, thị trường nội địa và xuất nhập khẩu. Tiêu điểm năm 2021: Chuyển đổi nông nghiệp, hiện trạng giao thông và logistics ĐBSCL, tác động quy hoạch tích hợp đối với ĐBSCL (chuyển đổi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông và logistics, chuyển đổi năng lượng).

TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam - Đồng chủ biên và Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày nội dung cơ bản của AMDER 2022

TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam - Đồng chủ biên và Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: Năm 2020, duy nhất Cần Thơ chịu tác động suy thoái kinh tế nhưng đến năm 2021, có tới 6/13 tỉnh của vùng bị suy thoái kinh tế: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của Vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ – cùng chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là –0,8% và –1,8%” - ông Vũ Thành Tự Anh phân tích.

AMDER 2022 chỉ ra: ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy:"Vòng xoáy ngân sách" phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; "Vòng xoáy lao động" xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, khó khăn, ĐBSCL cũng có nhiều cơ hội, đó là sự quan tâm sâu sát của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ban hành, triển khai nhiều hoạt động đầu tư quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, kết nối vùng và cả nước.

Thông điệp chủ chốt của AMDER 2022: Phải có giải pháp thiết thực để phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững. Chẳng hạn, đối với sản xuất nông nghiệp, là mắt xích quan trọng đầu tiên cần thay đổi, AMDER 2022 đề xuất các mục tiêu chính của chuyển đổi: Phải tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; Kiên quyết giữ điện tích lúa; Hiện đại hoá nền nông nghiệp; Phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường; Phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”.

Tại Lễ công bố, nhiều tổ chức quốc tế và các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của AMDER 2022, đồng thời đóng góp giải pháp tháo gỡ cho “ba vòng xoáy”, như: Các giải pháp thu hút các dự án đầu tư; Nâng cao dân trí, đào tạo nghề cho người lao động, tăng tỷ lệ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ,…

Theo bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP): Phải tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân; Chính phủ cần tăng nguồn tài chính đầu tư cho Vùng; Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và logistics. Nông nghiệp chuyển hướng sản xuất những sản phẩm có giá trị cao: “Những khó khăn, thách thức không thể đơn phương giải quyết mà các tỉnh, thành trong vùng phải phối hợp cùng hành động để tháo gỡ như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tình trạng giảm chất lượng đất canh tác, tiến tới thực hiện sản xuất nông nghiệp xanh,… ” – bà Caitlin Wiesen khẳng định.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, nêu giải pháp phát triển KT-XH của TP. Cần Thơ

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định: “Với vai trò là thành phố động lực của vùng, Cần Thơ đang huy  động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng,... Hệ thống Logistics được xem là xương sống tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ĐBSCL, thành phố đang triển khai hoàn thiện quy hoạch trung tâm logistics của vùng với quy mô 242 ha, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp và chế biến nông thủy sản nâng cao năng lực cạnh tranh, là động lực cho các ngành sản xuất tăng trưởng mạnh. Thành phố khẩn tương hoàn thiện đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới hiện đại hóa ngành nông nghiệp ĐBSCL. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân,… ”.

Đan Phượng

Bài viết liên quan