Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ được vào vòng Chung kết Chương trình Thành phố Xanh và chiến dịch “Tôi yêu thành phố”

Ngày 30-11, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp cùng Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo (HT) “Tổng kết Chiến dịch We love Cities (Tôi yêu thành phố) tại TP. Cần Thơ”.

Ông Nguyễn Chí Kiên – Phó Giám đốc Sở TN-MT TP. Cần Thơ, phát biểu tại HT

Khởi xướng từ năm 2011, Chương trình Thành phố Xanh (OPCC) là một sáng kiến của Tổ chức WWF nhằm khuyến khích các thành phố (TP) xây dựng những cam kết và mục tiêu tham vọng về khí hậu, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Chương trình cũng nhằm phát triển, phổ biến, nhân rộng các mô hình thành công điển hình trong thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tham gia Chương trình Thành phố Xanh  trong giai đoạn 2021 – 2022, TP. Cần Thơ lọt vào vòng Chung kết nhờ các số liệu ấn tượng trong Báo cáo Dữ liệu khí hậu của Cần Thơ được đánh giá cao với nhiều tiêu chí, bao gồm: Mục tiêu tham vọng về khí hậu; cam kết của lãnh đạo; khả năng ứng phó với các thách thức trong tương lai và kế hoạch hành động khí hậu toàn diện.

Bà Lưu Quỳnh Anh – Điều phối Chương trình OPCC - WWF-Việt Nam, trình bày những quyền lợi của các TP khi được đứng vào Chương trình Thành phố Xanh

Bà Lưu Quỳnh Anh – Điều phối Chương trình OPCC, WWF-Việt Nam, nhận xét: “Là TP trực thuộc TW và là một trong 5 đô thị lớn của Việt Nam, TP. Cần Thơ đã thể hiện nhiều nỗ lực, triển khai các bước đi quyết liệt trong thực hiện chương trình tổng thể nhằm từng bước đưa Cần Thơ phát triển theo định hướng TP bền vững, thông minh và hài hòa với thiên nhiên. Các nỗ lực này được ghi nhận và đánh giá cao của Ban Giám khảo Chương trình OPCC quốc tế,… Các nỗ lực của Cần Thơ có thể kể như: Đẩy mạnh chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo; thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu lượng phát thải KNK/năm; tăng cường phân loại rác thải rắn tại nguồn; thay thế hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn LED; lắp đặt bộ cách nhiệt cho các tòa nhà,… Tiến hành thí điểm hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng tại quận Cái Răng, quận Ninh Kiều,…”.

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, trình bày những Kinh nghiệm và Giải pháp để các thành phố thích ứng với BĐKH

Từ thành quả này, Cần Thơ vinh dự đại diện Việt Nam cùng 32 quốc gia khác tiếp tục tham gia Chiến dịch We love Cities (Tôi yêu thành phố) từ ngày 19-9 đến 31-10. Đây là Chiến dịch nhằm kêu gọi người dân cùng thực hiện kế hoạch và cam kết của TP hướng đến phát triển đô thị Carbon thấp. Người dân sẽ cùng tham gia bình chọn và đưa ra đề xuất nhằm cải thiện, bảo vệ môi trường thành phố của mình.

Sau hơn 1 tháng triển khai Chiến dịch We love Cities, thông qua Fanpage của Chương trình, đã ghi nhận 2.238 lượt thể hiện tình yêu đối với TP. Cần Thơ; 440 lượt phản hồi, đề xuất các sáng kiến giúp Cần Thơ cải thiện ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao thông vận tải; quản lý chất thải; giữ gìn công viên và không gian công cộng; cùng rất nhiều bình luận thể hiện tình yêu đối với thành phố thông qua Fanpage Du lịch Cần Thơ.

Phát biểu tại HT, ông Nguyễn Chí Kiên – Phó Giám đốc Sở TN-MT TP. Cần Thơ, xúc động bày tỏ: “Thành quả bước đầu này là niềm tự hào của người dân TP. Cần Thơ, cũng là niềm động viên to lớn đối với các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, để tiếp tục tham mưu các nhiệm vụ chuyên môn, nhằm xây dựng TP. Cần Thơ trở thành TP văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH. Thông qua Chiến dịch We love Cities, những ý kiến đóng góp của mọi người sẽ được ghi nhận để nghiên cứu, từ đó xây dựng các giải pháp thực thi nhằm nâng cao tính chống chịu của TP, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải “ròng” bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26”.

Cần nói thêm: Có 75 thành phố trên tổng số 280 TP từ hơn 50 quốc gia trên toàn cầu được vào vòng Chung kết Chương trình OPCC quốc tế 2021 – 2022 và tham gia Chiến dịch We love Cities 2022. Bà Lưu Quỳnh Anh – Điều phối Chương trình OPCC - WWF-Việt Nam, cho biết: Các thành phố sẽ có nhiều lợi ích và sự hỗ trợ quốc tế khi được đứng vào Chương trình Thành phố Xanh, như: Cơ hội được tham gia các mạng lưới hàng đầu dành cho các TP, như Công ước Thị trưởng toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GcoM), ICLEI, C40 và CDP. Được hỗ trợ kỹ thuật để giúp thành phố xây dựng hành động khí hậu cụ thể, các tài liệu truyền thông, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng dân cư vì mục tiêu khí hậu chung. Có cơ hội tiếp cận và nhận hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Tổ chức WWF về xây dựng năng lực, thúc đẩy thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên NbS/EbA; các dự án hỗ trợ để góp phần giải quyết những vấn đề dân sinh như rác thải, thực phẩm, năng lượng, giao thông,…

Ban Tổ chức và các đại biểu

Hơn một nửa dân số thế giới đang sinh sống tại các thành phố, nơi nắm giữ 80% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 70% lượng khí thải CO2, chiếm khoảng 75% tổng lượng tài nguyên tiêu thụ, do vậy các đô thị đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu Net zero vào giữa thế kỷ này, mà Việt Nam cùng hơn 150 quốc gia khác trên toàn thế giới đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26).

   Đan Phượng

Bài viết liên quan