Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ: Để hình thành đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp

Ngày 23-9, tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Trường Ðại học Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp”.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, phát biểu từ điểm cầu ở Bộ NN-PTNT

Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Nguyễn Ngọc Hè, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Trường Ðại học Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Sở NN&PTNT các địa phương vùng ÐBSCL, Hội Nông dân, các Hiệp hội, doanh nghiệp, nhà khoa học, hợp tác xã và nông dân sản xuất giỏi đã tham dự Hội thảo (HT).

Các đại biểu tham dự hội thảo

Sản xuất nông nghiệp của nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu và biến động thị trường. Yêu cầu của người tiêu dùng cũng ngày càng cao, đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về chất lượng, an toàn, thực hiện quy trình sản xuất xanh, sạch, không tác động đến sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy, nghề nông phải từng bước được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, nông dân phải chuyên nghiệp, qua đó hướng đến nền nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả và phát triển bền vững. Tuy nhiên không thể bỗng dưng mà người nông dân có thể “tinh thông” và đạt “độ chín” của nghề nông, mà không được và không tự trang bị tri thức cho mình.

Phát biểu tại HT, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phân tích: “Tri thức hóa là cơ sở để tiến tới chuyên nghiệp hóa nông dân. Nông dân không được chuyên nghiệp hóa sẽ không có nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững. Nền nông nghiệp (NN) khó thoát khỏi “mù mờ”, vẫn tiếp tục phải chấp nhận “đánh đổi”: Đánh đổi môi trường, đánh đổi sức khỏe, đánh đổi chất lượng sống của thế hệ mai sau.

Nông dân không được chuyên nghiệp hóa, năng suất lao động trong nông nghiệp và khu vực nông thôn sẽ rất khó có thể được cải thiện, giá trị gia tăng tiệm tiến chậm, sức cạnh tranh kém, tiếp tục gặp nhiều rủi ro thị trường. Nông dân không được chuyên nghiệp hóa sẽ không thể thay đổi tư duy nông nghiệp từ “sản xuất” sang “kinh tế”, từ “tăng trưởng đơn giá trị” sang “tăng trưởng đa giá trị”. Hệ luỵ là tình trạng nông dân bỏ đất, rời làng, xa quê vẫn cứ tiếp tục diễn ra.

Tại HT, để giải quyết bài toán “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp”, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và trình bày các giải pháp để tìm ra đáp số mang tính thiết thực. Các nội dung xoay quanh những vấn đề: Xác định rõ các loại “tri thức” mà người nông dân cần có trong bối cảnh thị trường hiện nay. Tìm kiếm nguồn thông tin, trí thức đó ở đâu? Cơ chế và chính sách nào để có thể tìm kiếm nguồn thông tin, tri thức đó? Cơ chế, chính sách để có thể phổ cập những kiến thức, tri thức đến với người nông dân?

Theo các đại biểu, trong hàng chục triệu nông dân hiện nay, tỷ lệ được qua đào tạo còn rất nhỏ. Đa số nông dân sản xuất theo kinh nghiệm và theo cách thức sản xuất được truyền từ các thế hệ cha ông đi trước và láng giềng tại địa phương. Do vậy, để có những nông dân chuyên nghiệp, cần tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn cho nông dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Tạo môi trường, không gian để hấp thụ tri thức, trong đó cần học tập mô hình Hợp tác xã NN của các nước tiên tiến trên thế giới.

GS.TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ, đóng góp ý kiến

Về điều này, GS.TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ, chia sẻ cách làm của các HTX/NN ở Nhật Bản. Theo đó, HTX/NN là một trong các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ NN, được các nông dân lập nên để hỗ trợ nhau nhằm tối đa hóa thu nhập thông qua việc bán các sản phẩm NN và được cung cấp nguyên liệu sản xuất,… một cách thích hợp. Ngoài việc hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất, cung cấp vật tư nông nghiệp như phân bón, máy móc,… HTX/NN còn có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, tiêu thụ nông sản.

Khi tiến hành thu mua gạo từ nông dân, HTX sẽ vận hành nhà kho lưu trữ và điều hành trung tâm lúa gạo để đảm nhận các công đoạn: Tập hợp thóc, phơi khô, xay xát, vận chuyển,…Với cách vận hành này, nông dân Nhật Bản được cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật đồng thời tuân thủ nghiêm những quy định về an toàn trong quá trình sản xuất. 

Đại biểu trình bày ý kiến tại HT

Cũng theo các đại biểu, ngoài tổ chức đào tạo chính quy cho các đối tượng có nhu cầu, cần lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động đào tạo nghề nông thôn, các hội thảo đầu bờ, chương trình tập huấn kỹ thuật, các buổi sinh hoạt chuyên đề trong các không gian học tập cộng đồng,... cho bà con nông dân. Ngoài ra, nông dân không chỉ cần có kiến thức nền tảng về sản xuất, về áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới,... mà cần được trang bị kiến thức đa dạng như kiến thức về kinh tế, về liên kết hợp tác, kỹ năng kinh doanh nông sản thông qua hiểu biết về thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng,... và đặc biệt là phải có quan điểm tích cực, khoa học đối với cách sống và trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

 Đan Phượng

Bài viết liên quan