Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ: 50.000ha tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao”

Ngày 21-3, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, chủ trì buổi làm việc với Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc Rà soát diện tích tham gia Đề án “Phát triển  bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Phó CT UBND TP. Cần Thơ -  Nguyễn Ngọc Hè chỉ đạo

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” do Bộ NN-PTNT chủ trì, nhằm mục tiêu hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn, nhằm tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề manh mún trong sản xuất đang tồn tại trong vùng. Qua đó, Đề án hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị và thu nhập từ cây lúa cho bà con nông dân; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả.

Quang cảnh buổi làm việc

Các tỉnh, thành muốn tham gia Đề án phải có vùng sản xuất đáp ứng 5 nhiệm vụ chính: Định hướng xác định vùng sản xuất chuyên canh lúa CLC đến năm 2030. Định hướng thị trường, liên kết sản xuất – tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị lúa gạo. Hiện đại hoá sản xuất lúa gắn với tăng tưởng xanh. Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Xây dựng thương hiệu gạo.

Đề án chia mục tiêu thành 2 thời điểm: Đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa CLC vùng ĐBSCL đạt trên 500.000 ha, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa. Đến năm 2030, đạt 1 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo). Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%. Giảm phát thải nhà kính trên 20%. Lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 2,3 triệu tấn (chiếm 30% sản lượng gạo trong vùng Đề án)…

Ông Trần Thái Nghiêm – Phó GĐ Sở NN-PTNT TP.CT, đề nghị các huyện tăng cường tuyên truyền nông dân thực hành sản xuất tốt, phấn đấu có Tín chí Carbon để có thêm nguồn lực đầu tư cho sản xuất và tham gia Đề án

Ông Huỳnh Thanh Vui – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, trình bày kết quả hoạt động của của vùng dự án VnSAT

Trên cơ sở các nhiệm vụ và mục tiêu trên, theo kế hoạch, trước năm 2030 TP. Cần Thơ đăng ký phấn đấu đưa 50.000 ha sản xuất lúa tham gia Đề án. Để thực hiện, theo Sở NN-PTNT, trước mắt rà soát 34.000 ha thuộc các khu vực thuộc vùng Dự án VnSAT “Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” ở các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, để chuẩn bị tham gia Đề án. Thực hiện Dự án VnSAT, bà con sản xuất nông nghiệp theo kỹ thuật “1 phải – 5 giảm”. Qua 5 năm thực hiện, tại các vùng Dự án đã có 25 hợp tác xã (HTX), cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ sản xuất ngày càng tăng cường theo hướng hiện đại, trong đó chỉ tính thiết bị và trạm bơm của vùng dự án, do VnSAT và nguồn khác đầu tư, có: Tổng số máy cuộn rơm: 28 (Cờ Đỏ: 09 máy: Vĩnh Thạnh: 09 máy; Thới Lai: 10 máy). Tổng số lò sấy lúa: 180 (Vĩnh Thạnh: 147 lò sấy; Thới Lai: 33 lò sấy). Tổng số Trạm bơm điện đầu tư từ nguồn VnSAT: 12 trạm. Trong đó Vĩnh Thạnh: 08; Cờ Đỏ: 02 và Thới Lai: 02. Tổng số Trạm bơm điện đầu tư từ nguồn khác: 155. Trong đó huyện Thới Lai: 139 trạm và huyện Vĩnh Thạnh: 16 trạm (Chi cục Thủy lợi đầu tư: 05; Huyện đầu tư: 09; Dân đầu tư: 2. Tổng diện tích sản xuất thực tế được các doanh nghiệp (DN) thu mua bao tiêu là 15.132 ha; tỷ lệ thu mua trên diện tích đăng ký ban đầu đạt 94%.

Kết thúc buổi làm việc, Phó CT UBND TP. Cần Thơ - Nguyễn Ngọc Hè chỉ đạo: Vấn đề quan trọng của Đề án là nâng cao chất lượng lúa và tăng thu nhập cho nông dân. Đối tượng cốt lõi  của phát triển vùng lúa CLC là các Hợp tác xã và DN. Phải  dồn sức để ngành lúa gạo ngày càng đạt chất lượng cao. Muốn vậy phải liên kết với DN để họ đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuỗi sản xuất và thực hiện đa giá trị, trong đó có phương án giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nông dân biết và tham gia Đề án; khuyến khích bà con vào HTX, Tổ hợp tác, thực hành sản xuất tốt theo hướng VnSAT và liên kết DN xử lý rơm rạ, để có Tín chỉ Carbon, từ đó nông dân được tài trợ của Ngân hàng thế giới, có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất và tăng thu nhập.

Sở NN-PTNT thành phố phối hợp UBND các huyện rà soát, kiểm tra và đánh giá diện tích đất sản  xuất thuộc vùng Dự án VnSAT xem đến nay còn bao nhiêu? Số HTX làm tốt kỹ thuật “1 phải – 5 giảm”? Đồng thời mời các DN tham gia Đề án. Trên cơ sở 5 nhiệm vụ của Đề án, rà soát các vùng còn thiếu lĩnh vực nào? Thí dụ về Giao thông - thủy lợi? Cần mở thêm tuyến đường nào? Điện – nước sạch nông thôn đủ chưa? Cần đầu tư ra sao để thực hiện cơ giới hoá sản xuất?... Sau đó thống kê, phối hợp các Sở ngành trong việc tận dụng chính sách hỗ trợ nông dân, DN, như các chương trình phát triển của Sở Công thương, Sở KH-CN,… lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao…để có phương án khắc phục; đồng thời trình Thành uỷ nhằm  sớm có nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Đề án,… Cố gắng hoàn thành số liệu tổng hợp vào ngày 26-3 để đăng ký với Bộ NN-PTNT trước ngày 28-3-2023 theo quy định.

 Đan Phượng

Bài viết liên quan