Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định Xúc tiến du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 13-9, tại Cần Thơ, Sở Du lịch các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định phối hợp cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa 3 tỉnh và các tỉnh, thành ĐBSCL. Hội nghị (HN) nhằm đẩy mạnh kết nối liên kết vùng, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.

Ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, phát biểu khai mạc

Ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, đại diện 3 tỉnh, cho biết: Trong điều kiện hội nhập, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương, nhằm khai thác lợi thể tiềm năng đưa ngành Du lịch phát triển, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương. Liên kết vùng, liên kết chuỗi nhằm hợp lực phát triển các sản phẩm du lịch “đặc sản” từng nơi là một trong những giải pháp quan trọng để nâng tầm du lịch khu vực và mỗi địa phương.

Quang cảnh HN

Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định là những địa phương có đặc điểm văn hoá, tự nhiên đặc sắc, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch di sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch biển đảo,… “Quảng Ninh là tỉnh ven biển Đông Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nơi có Vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quy Nhơn (Bình Định) nơi có biển xanh, bãi cát trắng dài thơ mộng, sự cổ kính của Tháp Chàm và nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng. Tỉnh Ninh Bình nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, là mảnh đất thiêng, từng là kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 Vương triều Đinh, tiền Lê, Lý. Đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á.

Thị trường khách du lịch ĐBSCL hiện là một trong những thị trường tiềm năng và rất quan trọng đối với Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định, đặc biệt trong giai đoạn các tỉnh đang xây dựng chiến lược thu hút khách nội địa. ĐBSCL như 1 thế giới sông nước với mật độ sông và kênh rạch dày đặc, có hệ sinh thái đất ngập nước với sinh cảnh rừng ngập mặn ven biển, rừng ngập nước nội địa lớn nhất Việt Nam, đa dạng về các loại hình văn hoá, trong đó Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại,… Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn tạo nhiều cơ hội để các địa phương cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch.” - Ông Trần Song Tùng phân tích.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, đánh giá cao ý nghĩa của HN

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, thông tin: Trong 8 tháng năm 2022, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hút khoảng 30 triệu lượt khách tham quan, du lịch, với hơn 8 triệu lượt khách lưu trú. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. Các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL gắn với các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị). Do đó, việc mở rộng kết nối và hợp tác với ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với các bên.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch), đánh giá: Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định và TP. Cần Thơ là 4 trung tâm du lịch lớn của cả nước Sự liên kết của 4 địa phương đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, sau khi phục hồi ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị: “4 địa phương này có thể mạnh rất đặc sắc, nổi trội, phần bù của nhau, tạo ra nhu cầu cần liên kết trao đổi khách giữa các vùng. Các địa phương cần tăng cường công tác thông tin quảng bá bằng nhiều hình thức, nhiều kênh về điểm đến, sản phẩm du lịch nổi trội của mỗi địa phương,…

Chính quyền các địa phương cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa việc kết nối hàng không để làm sao các sân bay: Cần Thơ, Vân Đồn, Phù Cát phát huy hiệu quả. Việc hỗ trợ để nuôi đường bay trở nên thường xuyên là vô cùng quan trọng, chỉ khi kết nối được đường bay thì hoạt động du lịch mới nhộn nhịp.” -  Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các Sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xây dựng điểm, sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất, đảm bảo chất lượng, an toàn, thân thiện và mến khách. Từ đó, kết nối nguồn khách giữa TP. Cần Thơ cũng như các địa phương vùng ĐBSCL thu hút khách du lịch từ Ninh Bình, Quảng Ninh, Bình Định và các địa phương lân cận và ngược lại”.

Các tỉnh, thành ký kết hợp tác

Là chương trình hợp tác đầu tiên của cả nước, HN đã tạo cơ hội để các địa phương, nhà đầu tư, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, các bên thiết lập quan hệ hợp tác, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch. Các biên bản ký kết hợp tác trong HN là cam kết mạnh mẽ của các địa phương trong việc chung tay đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, chú trọng du lịch nội địa theo hướng du lịch bền vững và có trách nhiệm.

  Đan Phượng

Bài viết liên quan